Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Trở Lại Trang

VINH QUANG ĐỨC MARIA

Phạm Duy Lễ chuyển ngữ

MARIA, SỰ SỐNG CHÚNG TA TRONG ƠN THA THỨ

Đi tìm ân sủng qua tình Mẹ

Giáo hội dạy chúng ta gọi Maria là sự sống không phải là không có lý do. Lý do ấy không ngoài vấn đề ân sủng. Ân sủng làm cho linh hồn linh hoạt cũng y như linh hồn làm cho thân xác sống động. Thật vậy, không có ân sủng, linh hồn coi như sống động, nhưng kỳ thực là đã chết, theo lời sách Khải huyền gửi một nhân vật nọ: Người ta bảo là ngươi còn sống, nhưng ngươi đã chết rồi (Kh 3, 1). Mẹ Maria, vì can thiệp xin cho tội nhân lại tìm được ân sủng họ đã bỏ mất, nên quả thật Mẹ đã làm cho họ được sống vậy.

Áp dụng vào Mẹ lời sách Châm ngôn sau đây, Giáo hội đã nghe Mẹ Maria nói: Những ai tìm Mẹ từ buổi sớm sẽ gặp được Mẹ (Cn 8, 7). Những ai vội vã đi tìm Mẹ ngay từ bình minh, nghĩa là đi tìm ngay khi vừa có thể, nhất định là sẽ tìm thấy Mẹ. Câu đó, bản Bảy Mươi dịch là sẽ tìm được ân sủng, thay vì sẽ tìm được Mẹ. Như vậy, cậy nương nơi Mẹ Maria và tìm được ân sủng Chúa ban, cả hai cũng chỉ là một. Qua ít câu sau, Đức Mẹ lại nói: Ai tìm được Mẹ là tìm được sự sống, và được Chúa ban cho vĩnh phúc mai ngày (Cn 8, 35). Về vấn đề này, thánh Bonaventura kêu gọi: “Hãy lắng nghe, hỡi những ai khát vọng vào nước Thiên Chúa, các bạn hãy lắng nghe đây: hãy tôn kính Mẹ Đồng Trinh Maria, thì các bạn sẽ được sống và được giải thoát đời đời”.

Thánh Bênađinô Siêna quả quyết, nếu Thiên Chúa đã không hủy diệt nhân loại sau nguyên tội, thì chính là vì Thiên Chúa đã đặc biệt yêu đương Maria, nữ tử ưu ái của Chúa. Thánh nhân không ngần ngại tuyên ngôn: “Nếu ở thời đại Cựu Ước, Chúa sẵn lòng tha thứ cho tội nhân, thì cũng chỉ vì Đức Mẹ, và vì yêu đương Mẹ Đồng Trinh mà Chúa ban xuống những đặc ân tình thương cho đời”.

Mẹ Maria phát minh ân sủng

Lời khuyến khích của thánh Bênađô sau đây thật khôn khéo biết mấy: “Chúng ta hãy đi tìm ân sủng, và hãy nhờ Mẹ Maria mà tìm”. Hãy đi tìm ân sủng: nếu vô phúc chúng ta đã làm mất, thì ta phải đi tìm lại; nhưng hãy nhờ Mẹ Maria mà tìm: nếu chúng ta đã bỏ mất, thì Mẹ đã tìm lại được rồi. Theo đó, thánh nhân xưng tụng Mẹ Maria là “Người Phát Minh ân sủng: Inventrix gratiae”.

Điều an ủi chúng ta rất nhiều là tổng thần Gabriên cũng đã minh nhiên tuyên tụng Maria là Người Phát Minh ân sủng qua những lời: Hỡi Maria, xin chớ sợ: Trinh Nữ đã tìm ra ân sủng (Lc 1, 30). Có bao giờ Mẹ Maria bị tước đoạt mất ân sủng đâu, sao thánh tổng thần nói Mẹ đã tìm ra ân sủng? Một sự vật trước kia không có, mà nay khám phá ra, mới là tìm được. Nhưng Mẹ Maria lúc nào cũng khăng khít hợp nhất cùng Chúa, lúc nào cũng đầy ân sủng, đúng hơn, lúc nào cũng tràn đầy ân sủng, như tổng thần đã thân thưa khi cúi chào Mẹ: Kính chào Trinh Nữ đầy ân sủng, Chúa ở cùng Trinh Nữ (Lc 1, 28). Mẹ Maria đã luôn luôn chiếm hữu và duy trì được ân sủng vĩnh tại ấy, thì hẳn là Mẹ không tìm ra ân sủng cho Mẹ. Vậy Mẹ tìm cho ai? Bình giảng đoạn Thánh Kinh này, đức hồng y Hugô trả lời: Mẹ đã tìm ra cho các tội nhân, những người đã làm mất ân sủng. Ngài lại thêm: “Những ai bất hạnh phạm tội mà làm mất ân sủng, hãy chạy đến bên Mẹ Maria: họ sẽ tìm được trong Mẹ. Hãy tin tưởng thưa Mẹ rằng: Lạy Nữ Vương chúng con, của bị thất lạc phải trở về với sở hữu chủ (vật hoàn cố chủ). Ân sủng Mẹ tìm ra đó không phải là của Mẹ. Ân sủng của Mẹ có thất lạc bao giờ đâu. Ân sủng đó là của chúng con, chúng con đã vô phúc làm thất lạc. Vậy xin Mẹ hãy trả lại cho chúng con tài vật Mẹ đã tìm ra đó đi”. Cha Risa cũng kết luận cùng nghĩa đó: “Chúng ta ước ao được ân sủng Chúa ban ư? Hãy đến cùng Mẹ Maria, người Phát Minh ân sủng. Lúc nào Mẹ cũng tìm ra cho ta được”. Chính vì không bao giờ và sẽ không bao giờ Mẹ Maria bỏ mất tình yêu mến Chúa, “không thể có chuyện bất ngờ Mẹ làm thất lạc ân sủng được”: cho nên, nếu chúng ta chạy đến cùng Mẹ, nhất định chúng ta sẽ tìm được ân sủng, không thể nào sai lầm.

Trong đoạn thứ tám sách Diễm ca, Mẹ Maria cho ta biết rõ: Chúa đã đặt Mẹ ở trần gian để bênh đỡ chúng ta. Mẹ là bức tường, nhũ bộ Mẹ là đài tháp. Bởi vậy, Đấng Tối Cao đã nhìn nhận Mẹ là người tìm ra hòa bình (Dc 8, 10), là trung gian giao hòa giữa Thiên Chúa và tội nhân. Về điểm này, thánh Bênađô tưởng lệ tội nhân rằng: “Bạn cứ đi tìm Mẹ tình thương: hãy tỏ cho Mẹ thấy linh hồn bạn cũng như những vết thương tội lỗi đã làm nứt nẻ trên nó”. Chắc chắn nhìn thấy cảnh đau lòng đó, Mẹ sẽ cầu xin Con Mẹ tha thứ cho bạn, “Mẹ sẽ nhắc cho Chúa Giêsu rằng Mẹ đã dưỡng dục Ngài. Và Con yêu dấu của Mẹ nhất định sẽ nhậm lời Mẹ cầu xin”. Sau cùng, Giáo hội cũng thúc giục chúng ta cầu xin Chúa cho chúng ta được sống lại trong đời sống thiêng liêng, nhờ Mẹ Maria can thiệp hữu hiệu cho. Giáo hội đặt lên miệng ta lời cầu nguyện năng đọc sau đây: “Lạy Chúa nhân từ, xin cấp cứu chúng con là những kẻ nhu nhược yếu đuối; xin cho chúng con được kính tưởng Mẹ thánh Chúa, được nhờ Mẹ cầu bầu, mà đứng lên thoát vòng tội lỗi, để sống lại trong ân sủng”.

Ánh bình minh chiếu rạng tâm hồn

Vì thế, thánh Lôrensô Giúttinianô rất có lý khi tuyên xưng Mẹ Maria là “hi vọng của tội nhân”, chỉ một mình Mẹ xin được Chúa thứ tha cho họ. Thánh Bênađô gọi Mẹ là “cái thang của tội nhân”, là Nữ Vương từ ái, giơ tay nâng dậy các linh hồn đã bất hạnh ngã gục trên đường tội khiên, và kéo họ thoát hang sâu tội lỗi mà đưa lên cùng Chúa. Thánh Âutinh thưa lên với Mẹ: “Mẹ là hi vọng độc nhất của tội nhân: chỉ nhờ Mẹ cầu bầu, chúng con mới dám chờ mong được thứ tha mọi tội lỗi”. Thánh Gioan Kim khẩu lại quả quyết: “Chúa chỉ tha tội cho chúng ta khi Mẹ Maria cầu bầu”, và thánh nhân lợi dụng cơ hội để kính chào Mẹ, nài xin Mẹ nhân danh các người tội lỗi rằng: “Lạy Mẹ, con kính chào Mẹ”, Mẹ Thiên Chúa và Mẹ con, “con kính chào Mẹ là Mẹ Thiên đàng” Chúa ngự; “con kính chào Mẹ là bảo tọa” Chúa ban xuống mọi ân huệ; “con kính chào Mẹ là vẻ huy hoàng của Giáo hội chiến đấu! Xin Mẹ chớ ngừng lời cầu xin Chúa Giêsu cho chúng con! Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa thương xót chúng con! Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa thương xót chúng con trong ngày thẩm phán và bảo đảm cho chúng con được vinh quang và phúc hưởng kiến đời đời, mà Chúa dành riêng cho những ai yêu mến Chúa”!

Chúng ta hân hoan ca tụng Maria là ánh bình minh: Ai kia đang tiến lên như bình minh rạng rỡ? (Dc 6, 9). Đức Giáo Hoàng Innocentê III nhận xét, “như ánh bình minh báo hiệu đêm tàn và ngày rạng, thì Mẹ Maria cũng chấm dứt triều đại nết hư, và khai sáng triều đại thánh đức”. Bóng đêm tội lỗi đã tan, và linh hồn bước lên triều ánh sáng của ân sủng trên đường tiến đức, đó là một hiệu quả hạnh phúc mà ngày đản sinh của Mẹ Maria sản ra trong vũ trụ, và lòng sùng kính Mẹ Maria đã làm bừng nở trong linh hồn. Cho nên thánh Germanô thưa cùng Mẹ: “Ơn phù trợ của Mẹ đuổi xa sự chết; cánh tay cầu bầu vạn năng của Mẹ mang sự sống về”. Ngài cũng viết: Khi được đọc lên với một niềm yêu kính, thánh danh Maria là biểu hiệu tỏ ra linh hồn còn sống động, hay ít nhất cũng là biểu hiệu tỏ ra linh hồn sắp được hồi sinh.

Bảo chứng cuộc giao hòa cao trọng

Mẹ Maria đã hoan hỉ hát lên: Từ đây hết mọi thế hệ sẽ gọi tôi là người diễm phúc (Lc 1, 16). “Vâng, thánh Bênađô nối lời, vâng, lạy Nữ Vương chúng con, toàn thể nhân loại sẽ ca tụng Mẹ là diễm phúc, vì hết mọi thế hệ – tôi tớ của Mẹ qua mọi thời đại – đều nhờ Mẹ mà được sống” trong ân sủng và “vinh hiển” thiên đàng. Thánh nhân lại thêm: “Trong Mẹ, tội nhân sẽ tìm được ơn tha thứ, người lành được bền tâm và sự sống đời đời”. Cha Bênađinô Busti kêu gọi: “Tội nhân ơi, chớ thất vọng, dầu bạn đã phạm mọi thứ tội. Cứ can đảm và thành tâm đến cậy nương Đức Nữ Vương vinh hiển này: bạn sẽ thấy từ tay Mẹ đổ xuống cho bạn tràn đầy tình thương rộng lượng. Bạn khát khao được hưởng hiệu quả lòng Mẹ nhân từ ư? Bạn nên biết: cứ nhiệt liệt ao ước là bạn sẽ cưỡng bách Mẹ phải ban ơn lành cho bạn, phải rộng tay với bạn”.

Thánh Anrê Crêta cho ta biết: Mẹ Maria là “bảo chứng và là chứng vật bảo đảm những cuộc giao hòa”, những ơn tha thứ của Thiên Chúa ban cho chúng ta. Điều đó có nghĩa là: khi tội nhân cầu khẩn Mẹ Maria xin Thiên Chúa thứ tha và giao hòa cùng họ, thì Thiên Chúa hứa thệ sẽ tha thứ cho họ. Có gì bảo đảm cho lời hứa này không? Thiên Chúa sẽ cho họ một chứng vật làm bảo đảm. Chứng vật đó là Maria, Người Mẹ Chúa đã tuyên nhiệm làm trạng sư cho chúng ta: nhờ Mẹ biện hộ, vì công nghiệp Chúa Giêsu, Thiên Chúa sẽ tha thứ cho tất cả những người tội lỗi đến cầu xin Mẹ.

Thánh nữ Brigita được một thiên thần cho biết niềm vui các thánh tiên tri cảm hưởng khi nhìn thấy trước sự biện hộ này của Mẹ Maria. Thiên thần thưa với Mẹ Đồng Trinh rằng: “Ôi Maria là Ánh Sao ngời sáng, các thánh tiên tri đã nhảy mừng vì biết rằng sự khiêm nhu và cuộc đời thanh tịnh của Mẹ sẽ làm khuây nguôi lòng Chúa, và xin được Chúa dung tha những người làm Chúa thịnh nộ”.

Không một tội nhân nào, dầu tội lỗi đến đâu, khi đến nài xin Mẹ thương xót, mà lại phải e ngại sẽ bị Mẹ đuổi đi. Không, không bao giờ. Mẹ là Mẹ tình thương, và, vì là Mẹ tình thương, Mẹ hằng sẵn lòng cứu vớt những ai cơ khổ nhất. Thánh Bênađô viết: “Maria! Mẹ chính là chiếc tầu cứu nguy: ai vào đó nương ẩn sẽ thoát khỏi hồng thủy” của cảnh trầm đọa đời đời. Trong kỳ đại hồng thủy, tầu Noe đã cứu sống cả những loài muông thú: sự phù trì của Mẹ Maria cũng cứu thoát cả mọi tội nhân. Một hôm, thánh nữ Gêtruđê được Mẹ hiện ra mở rộng áo choàng cho xem thấy rất nhiều muông thú: sư tử, gấu, hổ, báo ẩn náu trong đó. Nhưng, không hề đánh đuổi chúng, Mẹ Maria lại niềm nở thu nhận và vuốt ve chúng nữa1. Thánh nữ hiểu ra rằng: những tội nhân khi đến cầu nguyện cùng Mẹ, cũng không sợ phải đuổi đánh như vậy; dầu họ hư hỏng đến đâu, Mẹ cũng ân cần đón nhận và cứu họ thoát khỏi trầm luân vĩnh viễn.

Chúng ta hãy vào tầu này, hãy nương ẩn dưới áo Mẹ: nhất định Mẹ không xua đuổi chúng ta; trái lại, Mẹ sẽ giải thoát chúng ta khỏi lửa đời đời.

Người phụ nữ hoang đàng

Cha Boviô2 kể truyện một phụ nữ hoang đàng tên là Hêlêna, một hôm vào nhà thờ, tình cờ nghe giảng về phép lần hạt mân côi. Lúc về nhà, nàng lén mua một tràng hạt. Nàng giấu kín và bắt đầu lần chuỗi. Trước cũng chẳng sốt sắng gì, nhưng sau Mẹ Maria đã cho nàng cảm thấy an ủi và dịu ngọt khi đọc kinh, cho nên nàng đọc bao nhiêu cũng không chán. Qua việc suy niệm kinh mân côi, Hêlêna hiểu ra tất cả những phóng đãng của nàng thực là trọng tội. Nàng bèn tức tốc đi xưng tội. Nàng cáo mình với một lòng thống hối thiết tha làm cha giải tội cũng phải ngạc nhiên.

Xưng tội rồi, nàng đến sấp mình trước bàn thờ Đức Mẹ để cảm tạ Đức Mẹ đã biện hộ cho mình. Lúc lần hạt, nàng nghe Đức Mẹ phán bảo:

- Hêlêna, cho đến nay, con chỉ biết xúc phạm đến Chúa và Mẹ. Từ nay trở đi, con hãy sống một cuộc sống mới. Phần Mẹ, Mẹ hứa sẽ luôn luôn giúp đỡ con.

Xấu hổ vì được Mẹ Maria đoái thương như vậy, nàng cảm động trả lời:

- Lạy Mẹ Đồng Trinh, thật cho đến nay con là đứa tội lỗi nặng nề, nhưng Mẹ làm được mọi sự: xin Mẹ giúp đỡ con. Giờ đây, con xin dâng trót mình con cho Mẹ. Con muốn đem cả quãng đời còn lại để đền tạ tội lỗi con.

Thế là được vững vàng thêm vì có Mẹ Maria trợ lực, nàng đem tài sản phân phát hết cho người nghèo khó, và sống một đời sống thiết tha thống hối. Nhiều cơn cám dỗ ghê hồn đến lung lạc nàng, nhưng chăm chú cậy trông Mẹ luôn, nàng đã chiến thắng. Hơn thế nữa, nàng còn được ơn thấu thị, nói tiên tri, được mặc khải và nhiều đặc ân khác nữa. Sau cùng, được Mẹ Maria báo trước giờ chết. Ít ngày sau, nàng được tiếp kiến Chúa Giêsu và Mẹ Maria đến thăm viếng. Lúc Hêlêna tắt thở, người ta thấy linh hồn nàng bay về trời như một con bồ câu diễm lệ.

Con đến ẩn nương dưới bóng Mẹ

Lạy Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa và là Hi vọng độc nhất của con, đây một tội nhân cùng cực đang sấp mình dưới chân Mẹ, nài xin Mẹ thương xót. Giáo hội cùng toàn thể dân công giáo đều đồng thanh xưng tụng Mẹ là nơi an toàn của tội nhân; vậy Mẹ là nơi con nương náu an toàn: Mẹ có nhiệm vụ phải cứu thoát con.

“Lạy Mẹ rất dịu dàng Thiên Chúa, Mẹ biết rõ Chúa Giêsu, quả phúc của lòng Mẹ, quí chuộng sự sống chúng con chừng nào”. Mẹ biết Chúa đã phải đau đớn nhường nào mới cứu được con. Lạy Mẹ, con xin trình lên trước mặt Mẹ những đau thương của Chúa Giêsu Con Mẹ: này cơn giá rét Người chịu trong hang lừa, này cuộc đào vong vất vả sang Ai Cập, này những lao nhọc, những giọt mồ hôi, này máu Người chan đổ, và này nỗi khổ thống Người chịu gia hình trước mặt Mẹ trên thánh giá. Mẹ hãy chứng tỏ là Mẹ yêu mến Con Mẹ đi: ấy là xin Mẹ giúp con, để con được yêu mến Người. Con đã sa ngã, con kêu đến Mẹ: xin giơ tay cứu con đi.

Nếu con là một vị thánh, có lẽ con không cần phải nài xin Mẹ. Nhưng con chỉ là một tội nhân, nên con cậy trông nơi Mẹ là Mẹ đầy lòng ái tuất: Mẹ sẽ khấp khởi vui mừng vì được cấp cứu những người xấu số, ngay khi họ không còn cố chấp ngăn cản tình Mẹ yêu thương nữa. Hôm nay, Mẹ hãy hài lòng mà mưu hạnh phúc cho con: Mẹ đang có cơ hội cứu nguy cho con, vì con đã đáng trầm luân hỏa ngục. Con lại không còn cố chấp nữa, nên Mẹ rất có thể cứu được con. Con ký thác mình con trong tay Mẹ. Con phải làm gì, xin Mẹ cứ ban mệnh lệnh, xin cho con có đủ nghị lực để thực hiện: con không muốn bỏ hoài một điều nào có thể làm để được sống một cuộc sống thân mật với Chúa.

Con đến ẩn nương dưới áo Mẹ. Thánh ý Chúa Giêsu là muốn cho con đến kêu cầu Mẹ. Mẹ là Mẹ người, nên để quang vinh Mẹ cũng như quang vinh Người, Người đã quyết định không phải chỉ có bảo huyết Người, mà cả lời Mẹ cầu xin cũng có thế lực cứu thoát con. Giờ đây, Chúa truyền con đến để Mẹ cứu vớt. Ôi Maria! Con đây, con đến nài xin Mẹ, con tin tưởng nơi Mẹ. Mẹ đang cầu xin cho biết bao người: xin Mẹ cũng nói một lời xin cho con. Xin Mẹ hãy thưa cùng Chúa rằng Mẹ muốn cho con được hạnh phúc, chắc chắn Người sẽ giải cứu con. Mẹ hãy thưa Chúa rằng con là con Mẹ: con không dám xin điều gì khác nữa.

Dưới vòm tháp Đavít

Bền tâm đến cùng, đó là một ân tứ Chúa ban, một ân tứ trọng đại và, theo tuyên ngôn của Công đồng Triđentê3, hoàn toàn là một ân tứ vị tình (gratis), không công trạng nào đáng được. Nhưng như lời thánh Âutinh giải thích, bất cứ ai nài xin cũng đều được Chúa ban cho ân tứ ấy. Cha Suarez thêm: nếu người ta cứ một niềm nài xin cho đến chết, thì thế nào cũng được bền tâm. Theo thánh Bêlaminô, ơn bền tâm là ơn “phải xin hằng ngày để được hằng ngày”.

Vậy, nếu đúng như tôi chủ trương, theo giáo thuyết chung ngày nay, và như tôi sẽ chứng minh ở chương năm sau đây, nếu đúng là hết mọi ân sủng đều được ban cho loài người qua tay Mẹ Maria, thì chắc chắn chúng ta cũng không thể hi vọng và không thể xin được ơn bền tâm bằng lối khác được, nếu không do trung gian của Mẹ. Ngược lại, thế nào chúng ta cũng được bền tâm đến cùng, nếu chúng ta cứ tin tưởng cầu xin Mẹ. Bền tâm cũng chính là ân sủng Mẹ Maria thân hứa ban cho tất cả những ai trung thành phụng sự Mẹ ở đời này, theo những lời Thánh Kinh sau đây mà Giáo hội đã đặt lên miệng Mẹ: Ai hoạt động trong Mẹ sẽ không phạm tội, và ai làm sáng tỏ Mẹ sẽ được sống đời đời (Hc 24, 30).

Để sự sống ân sủng không tàn lụi trong ta, ta phải có một nghị lực thiêng liêng, phấn khích ta chống đánh những địch thù ơn cứu độ. Mà, nghị lực này, ta chỉ nhờ Mẹ Maria mới có. Mẹ nói: Trong Mẹ có đầy nghị lực, Chúa đã tích chứa đầy nghị lực trong Mẹ, để Mẹ thông ban cho những tôi tớ của Mẹ. Mẹ lại thêm: Các đế vương đều phải nhờ Mẹ mới được lên ngôi hoàng cực (Hc 21, 30); nhờ Mẹ, những ai phụng sự Mẹ sẽ chiếm thủ quyền thống trị tuyệt đối trên giác quan và dục vọng, xứng đáng được hiển trị vĩnh viễn trên thiên đàng. Ồ! Để chiến thắng bất cứ một cuộc tấn công nào của hỏa ngục, những tôi trung của Đức Nữ Vương Maria sung sức biết bao! Maria là đài tháp đã nói trong Diễm ca: Cổ Mẹ như tháp Đavít, kiến tạo với rất nhiều lỗ châu mai, lại treo hàng ngàn khiên mộc, và mọi thứ chiến khí thuận tay dũng sĩ (Dc 4, 4). Một ngọn tháp kiên cố oai hùng, chung quanh vây từng hàng chiến lũy; một kho khí giới chứa nhiều khiên mộc và mọi thứ chiến cụ để chống đánh cựu thù hỏa ngục, đó là hình ảnh về Mẹ Maria khi xuất hiện oai hùng trước mắt những ai yêu mến Mẹ và cầu xin Mẹ trên mọi trận địa linh hồn.

Dưới bóng lá tiêu huyền

Thánh Kinh còn sánh Mẹ Maria với cây tiêu huyền: Mẹ triển dương như cây tiêu huyền bên bờ nước giữa công viên (Hc 24, 19). Đức hồng y Hugô chú thích: “Cây tiêu huyền có những tấm lá giống hình cái khiên mộc”, tượng trưng được sự phù trợ mà Mẹ Maria bảo đảm với các linh hồn tìm đến ẩn nương dưới bóng Mẹ. Chân phúc Amêđê lại giảng nghĩa câu này một cách khác, ngài viết: Như cây tiêu huyền ngả bóng xuống làm nơi nghỉ mát cho khách bộ hành tránh cơn nắng lửa, hay cơn gió táp mưa sa, thì Mẹ Maria cũng “rủ bóng tình thương” trên những ai yêu mến Mẹ, và “phòng ngừa họ khỏi những cơn gió nóng bỏng” của dục tình, cũng như “những cơn giông tố” của cám dỗ.

Thật tai hại biết bao nếu không chịu đến nương bóng phù trì của Mẹ Maria, hoặc hờ hững không tôn sùng Mẹ, không đến cậy nhờ Mẹ trong những phút ngặt nghèo! Thánh Bênađô cao giọng: “Nếu bỏ mặt trời đi, ánh sáng sẽ không còn nữa”, thế giới sẽ trở nên một khoảng hỗn luân tối tăm rùng rợn. “Nếu bỏ Mẹ Maria đi”, nếu gạt bỏ lòng sùng kính Mẹ Maria ra khỏi linh hồn, “thì sẽ còn gì, nếu không phải là trùng trùng điệp điệp những mây mù kinh khủng?”. Thứ bóng tối kinh rùng mà Chúa Thánh Thần đã nói đến: Chúa thả bóng tối ra, và đêm xuống; đấy là lúc hoạt động của hết mọi sơn muông dã thú trong rừng (Tv 103, 20). Linh hồn nào trong đó ánh sáng của Chúa đã tắt lụi, linh hồn nào bóng đêm đã che phủ, thì sẽ trở nên sào huyệt của tội lỗi và ma quỉ. Phải, thánh Anselmô kêu lên: “Vô phúc, vô phúc cho những ai khinh thị ánh của mặt trời này, vô phúc cho những ai không tôn sùng Mẹ Maria!”.

Thánh Phanxicô Bôrgia thực đã giầu kinh nghiệm khi e ngại rằng những người không chứng tỏ một lòng tôn sùng đặc biệt đối với Mẹ Đồng Trinh là những người khó có thể bền tâm đến cùng. Một hôm, trong câu truyện với các tập sinh dòng Chúa Giêsu, ngài dò hỏi xem họ thích tôn kính vị thánh nào nhất. Nhận thấy có ít nhiều tập sinh không đặc biệt tôn sùng Mẹ Maria, ngài bèn lưu ý cha giáo tập phải để ý riêng đến những thanh niên kém cỏi đó. Sự việc về sau đã xảy ra y như ngài lo ngại. Tất cả những tập sinh thiếu lòng tôn sùng Đức Mẹ ấy đều mất ơn thiên triệu, bỏ đời sống tu trì một cách thảm thương.

Dưới ánh trăng thanh bình

Thánh Germanô đã không lầm khi gọi Mẹ Maria là “hơi thở của giáo hữu”. Con người không thể sống động nếu không hô hấp, thì linh hồn cũng không thể sống động nếu không ân cần nương cậy nơi Mẹ Maria. Nương cậy nơi Mẹ là một phương pháp vô ngộ để chiếm đoạt và duy trì sự sống ân sủng. Thánh nhân lại viết: “Hô hấp là biểu chứng con người còn sống, hơn nữa, hô hấp còn làm cho con người được sống động. Cũng vậy, thánh danh Maria, khi năng được lặp lại trên môi miệng, cũng là biểu chứng chắc chắn linh hồn còn linh hoạt. Thánh danh Mẹ đã sản ra sự sống, giữ gìn sự sống, và luôn cung cấp nhu cầu thuận lợi cho sự sống ấy tồn tại mãi”.

Chân phúc Alanô Rupê có lần bị chước cám dỗ gớm ghê xông đánh, đã hầu ngã thua, vì không mau mắn đến nương nhờ Mẹ. Mẹ Maria hiện đến, muốn cảnh cáo sự trễ nải của ngài, đã vả ngài một cái mà nói: “Nếu con đã kêu xin Mẹ, thì con đâu đến nỗi lâm nguy như thế”5.

Mẹ Maria từng nói qua lời Thánh Kinh: Hạnh phúc cho ai nghe lời Mẹ, hạnh phúc cho ai ngày ngày đến canh thức trước cửa nhà Mẹ, và hạnh phúc cho ai đứng quan sát lối vào nhà Mẹ (Cn 8, 34): hạnh phúc cho ai lắng nghe lời Mẹ! Hạnh phúc cho ai lưu tâm cầu xin Mẹ tình thương soi sáng và bênh vực luôn luôn! Ánh sáng này, nghị lực này, Mẹ Maria hối hả trao ban cho tôi tớ nào tận trung với Mẹ, để lôi kéo họ khỏi vòng tội lỗi và đặt họ vững chân trên đường tiến đức. Đó chính là điều Đức Giáo Hoàng Innôcentê III sung sướng giải thích. Ngài viết: “Mẹ Maria chính là ánh trăng trong đêm, bình minh ban sáng và vừng dương ban ngày”. Là ánh trăng thanh bình, Mẹ soi sáng cho người xấu số lạc bước trong đêm tối vì sa ngã thảm thương. Là bình minh êm dịu, Mẹ báo trước mặt trời sắp mọc trên người tội lỗi đã được ánh trăng đêm soi sáng, để giúp họ thoát ly xiềng xích tội lỗi và trở về trong ơn nghĩa Chúa. Sau cùng là vừng dương rực rỡ, Mẹ ngăn cản linh hồn đã được giao hòa cùng Chúa cho họ khỏi ngã lại vào vực thẳm nào một lần nữa.

Các nhà thần học áp dụng vào Mẹ Maria những lời sau đây trong sách Huấn ca: Những dây Mẹ buộc đều là những xiềng xích sinh lợi lộc (Hc 6, 3). Là xiềng xích? Sao vậy? Cha Risa trả lời: “Mẹ xiềng xích chúng ta để giữ gìn chúng ta khỏi điên cuồng băng qua những cánh đồng hoang bất chính”. Thánh Bonaventura cũng giảng nghĩa theo cùng ý ấy đoạn Thánh Kinh áp dụng vào Mẹ Maria trong kinh Nhật Tụng sau đây: Nhà Mẹ cư ngụ xây giữa đô hội đông đầy các thánh (Cn 24, 16). Ngài viết: “Không những Mẹ cư ngụ giữa đô hội đông đầy các thánh, Mẹ còn giữ gìn cho các linh hồn thánh thiện được sung mãn thánh thiện mãi và thoát khỏi mọi hao hụt. Mẹ giữ gìn các nhân đức cho khỏi tiêu tan. Mẹ giữ gìn công trạng kẻo hư hoại. Mẹ cũng cầm giữ ma quỉ kẻo nó âm mưu hãm hại”.

Thánh Kinh nói về người phụ nữ đảm đang rằng: Các gia nhân trong nhà người đều được phục sức gấp đôi (Cn 31, 21). Điều ấy ứng hợp với các tôi tớ Mẹ Maria, vì theo lời cha Cornêliô Lapiđê giải nghĩa, “phục sức gấp đôi Mẹ mặc cho họ, là các nhân đức của Chúa Giêsu, và các nhân đức riêng của Mẹ”. Được phù trì như vậy, họ không còn phải sợ gì tuyết sa mưa giá nữa: ơn bền tâm của họ đã được bảo đảm rồi.

Nhìn sao gọi Mẹ

Thánh Philippê Nêri không thôi nhắc nhở các hối nhân đến xưng tội cùng ngài rằng: “Hỡi các bạn, nếu các bạn muốn được bền tâm, các bạn hãy tôn sùng Mẹ Maria”. Thánh Gioan Bécmăng, tu sĩ dòng Chúa Giêsu, cũng nói: “Yêu mến Mẹ Maria là chắc sẽ được bền tâm đến cùng”. Đẹp đẽ biết bao sự suy niệm của cha Rupectô về dụ ngôn người con phung phá sau đây: “Nếu chàng trai xấu số đó còn có mẹ, chắc chẳng bao giờ chàng bỏ nhà ra đi, hoặc ít ra, chàng đã chẳng trở về muộn quá đến thế”. Cha muốn nói; ai nhận Maria làm Mẹ, thì sẽ không bao giờ lìa Thiên Chúa, hoặc nếu nhỡ ra vô phúc lìa xa, thì Mẹ Maria sẽ dẫn họ trở về mau chóng.

A! Ước chi hết mọi người mến yêu Nữ Vương rất dịu dàng và rất khoan dung này! Ước chi trong mọi cơn cám dỗ, họ luôn luôn mau chân đến kêu xin Mẹ ơn cứu giúp! Có ai kêu xin Mẹ mà còn hư mất được đâu? Chỉ có ai không mau chân chạy lại cùng Mẹ mới ngã quị và hư hỏng mà thôi! Áp dụng vào Mẹ Đồng Trinh những lời sách Huấn ca sau đây: Mẹ dạo bước trên mặt sóng đại dương (Hc 24, 8), cha Risa thác lời Mẹ rằng: “Mẹ dạo bước cùng những người Mẹ phù trì giữa muôn bão táp lấn xô, để nâng đỡ và giữ họ khỏi chìm sa vào vực sâu tội lỗi”.

Cha Bênađinô Busti kể chuyện một con chim được dạy cho biết nói câu Ave Maria, một hôm bị con chim ưng đuổi bắt: con chim liền kêu Ave Maria, tức thì chim ưng hoảng hốt rơi xuống chết liền6. Qua câu chuyện này, Chúa muốn dạy ta rằng thánh danh Maria đã cứu thoát chết một con chim vô linh tính, huống hồ một giáo hữu, khi bị chước cám dỗ xô lấn, biết ân cần cầu xin Mẹ, thì sẽ khỏi rơi vào tay ma quỉ biết mấy nữa.

Khi kẻ thù đến cám dỗ ta, ta phải làm gì? Thánh Tôma Villanova trả lời: “Như những con gà con, vừa thấy con diều hâu bay liệng trên không, chúng đã vội vã ẩn vào cánh mẹ chúng, thì chúng con, lạy Mẹ Maria”, ngay ở đợt cám dỗ đầu tiên, không lý luận gì cả, “chúng con cũng phải chạy đến ẩn mình dưới áo Mẹ”. Thánh nhân lại tiếp: “Lạy Nữ Vưong, lạy Mẹ chúng con, việc Mẹ là phải bênh vực chúng con, vì chúng con chỉ biết có một nơi an toàn bên Chúa và Mẹ. Mẹ là hi vọng độc nhất của chúng con, là phù trợ duy nhất của chúng con; chúng con chỉ biết tin tưởng một mình Mẹ”.

Chúng tôi xin kết luận tiết này bằng những lời thánh Bênađô sau đây: “Bạn ơi, dầu là ai đi nữa, bạn lại chẳng biết rằng, ở thế gian, lúc nào bạn cũng bị xô giạt chứ không phải là đi trên đất bằng đó ư? Bạn không muốn bị sóng gió dập vùi chứ? Thì bạn hãy dán mắt nhìn lên vì sao biển. Hãy ngước nhìn sao, mà kêu gọi Mẹ Maria. Trong những lúc gian nguy” hòng phạm đến Chúa, “trong những lúc quằn quại” vì bị cám dỗ ê chề, “trong những phút lo âu, phấp phỏng” không biết phải làm gì, “bạn hãy liên tưởng đến Mẹ Maria”, Người Mẹ có đủ uy lực cứu trợ được bạn. “Hãy cầu xin Mẹ Maria”, nài xin Mẹ mau mau đến cứu bạn. “Ước chi thánh danh uy linh của Mẹ đừng bao giờ phai mờ trên cặp môi” vẫn trung thành kêu cầu danh thánh Mẹ của bạn; ước chi thánh danh ấy lúc nào cũng canh cánh bên tâm hồn bạn” đang bền lòng tin tưởng. “Theo Mẹ, bạn sẽ không lạc đường. Kêu xin Mẹ, bạn sẽ không nếm mùi thất vọng. Mẹ nâng đỡ, bạn không thể vấp ngã. Mẹ phù trì, bạn sẽ được an toàn” trong vĩnh phúc. “Mẹ hướng dẫn, bạn sẽ không phải mệt mã trên đường. Mẹ giúp đưa, bạn sẽ tới đích ngắm trông”. Phải rồi, nếu Mẹ Maria nhận bảo vệ cho bạn, thì nhất định bạn sẽ được vào nước hằng sống. Cứ làm như vậy, bạn sẽ được trường sinh (Lc 10, 28).

Nữ ẩn sĩ rừng Giôđanô

Truyện thánh nữ Maria Ai cập là một truyện rất hay kể trong cuốn đầu bộ Hạnh tích các thánh tu rừng. Từ mười hai tuổi, Maria đã trốn biệt gia đình, sang sống một cuộc đời bê tha hoang đàng ở đô thành Alexanđria. Người thành đó đều tởm gớm cái nếp sống phóng túng đến bỉ ổi của nàng.

Sau mười sáu năm trụy lạc tội lỗi, nàng lên đường bắt đầu một cuộc giang hồ trên khắp lục địa. Nàng đến Giêrusalem vào dịp lễ kính Thánh giá. Giáo hữu tứ phương tề tựu mừng lễ rất đông. Bị tính tò mò xúi giục hơn là do lòng sùng mộ khuyến khích, nàng nảy ý tưởng vào xem đền thờ. Nhưng vừa tới bậc cửa, nàng cảm thấy một sức mạnh vô hình đẩy nàng ra. Nàng cố thử một lần nữa, thì lại bị đẩy ra một lần nữa. Lần thứ ba, rồi thứ bốn cũng đều vô hiệu, nàng bèn lui vào một xó ngoài tiền đình. Ở đây, nàng được Chúa soi cho biết nàng không xứng đáng đặt chân vào đền thánh vì tội lỗi. Ngước mắt lên, nàng nhìn thấy một bức họa vẽ Đức Mẹ Đồng Trinh. Nàng sấp mình chứa chan hai hàng lệ, khẩn cầu:

- Ôi Mẹ Thiên Chúa, xin thương con với, con đầy tội lỗi khốn nạn. Con biết rồi, tội con làm con rất bất xứng, chẳng đáng Mẹ nhìn đến nữa. Nhưng Mẹ là nơi nương ẩn của tội nhân, xin Mẹ vì yêu mến Chúa Giêsu Con Mẹ, Mẹ giúp con, mở cửa nhà thờ cho con. Con muốn cải tạo đời sống, và đi đền tội ở bất cứ nơi nào Mẹ muốn.

Lúc đó, hình như Đức Mẹ trả lời, nàng nghe có tiếng thì thầm trong lòng:

- Được con ạ, con đã kêu đến Mẹ, và muốn trở về, thì đó, cửa thánh đường đã mở, con vào đi!

Nàng vào kính thờ Thánh giá, khóc lóc nghẹn ngào. Rồi trở lại bức ảnh, nàng kêu xin:

- Lạy Nữ Vương con, con sẵn sàng vâng lời Mẹ, Mẹ muốn con đi đền tội ở đâu, xin tỏ cho con biết.

- Con hãy sang bên kia sông Giôđanô, sẽ thấy nơi yên nghỉ.

Nàng xưng tội rước lễ rồi sang qua sông Giôđanô. Đó là một khu rừng rậm, nàng hiểu nơi đền tội là đây.

Trong khoảng mười bảy năm đầu, ma quỉ không bỏ một mánh khóe nào mà không tấn công để xô nàng ngã lại. Lúc đó nàng đã làm gì để đối phó? Chỉ có một việc là cậy trông ở Mẹ Maria. Mẹ cũng ban cho nàng được sức mạnh kháng cự với mưu mô của chúng quỉ một cách thắng lợi suốt mười bảy năm ròng; hỏa ngục phải rút lui và nàng được hưởng một an bình thư sướng.

Thời gian qua. Sau bốn mươi bảy năm sống trong rừng, nàng đã bảy mươi nhăm tuổi, Chúa cho linh mục Zôzimô tìm thấy nàng vào một ngày im vắng. Tường thuật đời mình cho linh mục rồi, nàng xin ngài năm sau lại tới đem Thánh Thể cho nàng. Linh mục làm theo như ý. Nàng lại xin trở lại một lần nữa. Năm sau, linh mục Zôzimô trở lại, nhưng lần này ngài gặp thấy nàng đã từ trần. Quanh xác sáng tươi, chói lọi một luồng hào quang rực rỡ. Gần trên đầu nàng, ngài đọc thấy những giòng chữ viết trên cát như sau:

- Xin chôn xác con tội lỗi khốn nạn ở đây, và cầu nguyện cho nó.

Nhờ một con sư tử bới huyệt, linh mục Zôzimô an táng nàng ở đó. Rồi trở về tu viện, ngài thuật lại những việc lạ lùng tình thương của Chúa đã làm cho phụ nữ thống hối ấy.

Con không sợ gì nữa

Lạy Thánh Nữ Đồng Trinh Maria là Mẹ tình thương, đây một linh hồn phản bội đang quì dưới chân Mẹ. Nó đã phản bội Chúa và Mẹ, vì đã bội bạc với ân sủng Chúa ban cho nó qua trung gian của Mẹ.

Nhưng lạy Nữ Vương con, Mẹ biết rõ, sự khốn nạn của con chẳng làm con mất được lòng trông cậy Mẹ. Trái lại, lại làm con thêm tin tưởng, vì con biết con càng khốn nạn thì Mẹ càng mủi lòng thương xót con. Ôi Maria! Xin tỏ cho con lòng xót thương và lượng khoan hồng của Mẹ như Mẹ đã từng tỏ ra cho những người kêu xin Mẹ.

Con chỉ xin Mẹ đoái nhìn và cảm thương con. Lòng Mẹ đang xúc động thương con, nên Mẹ không thể từ chối phù trì con được. Mà nếu Mẹ phù trì con, thì con còn phải sợ gì nữa.

Không, con không sợ hãi gì nữa: ngay tội lỗi cũng không, vì Mẹ sẵn sàng tu sửa lại tất cả những hậu quả tai hại của nó; ma quỉ con cũng không sợ, vì Mẹ quyền uy hơn cả hỏa ngục; con cũng không sợ Chúa Giêsu đang lúc Người theo công lý mà thịnh nộ con, vì chỉ một lời Mẹ cầu xin cho con là đủ làm nguôi lòng Người.

Con chỉ sợ một điều là: nhỡ ra vì hững hờ mà quên chạy đến cùng Mẹ những khi con bị cám dỗ, và như vậy là tự con gây ra thiệt hại. Nhưng từ đây, từ giờ này, con xin đoan hứa cùng Mẹ rằng con sẽ luôn luôn chạy lại cùng Mẹ. Xin Mẹ giúp con giữ trọn lời nguyền hứa. Xin Mẹ lợi dụng cơ hội tốt đẹp này để làm toại nguyện ý của Mẹ là an ủi con, người con thống khổ của Mẹ.

Lạy Mẹ Thiên Chúa, con tin tưởng vào Mẹ với một lòng tin tưởng bao la. Xin Mẹ ban cho con được khóc lóc những lầm lỗi của con cho xứng. Con trông cậy Mẹ ban cho con được can đảm để khỏi lại ngã thua. Con đang yếu nhược vì lầm lỗi, xin Mẹ nâng đỡ con. Ôi Maria, con hi vọng tất cả nơi Mẹ, vì ngoài Chúa ra, thì chỉ có Mẹ là làm được mọi sự. Amen.

 

Cầu cho chúng con... trong giờ lâm tử

Người bạn thật thì lúc nào cũng thân ái: khi hoạn nạn, họ trở thành cật ruột (Cn 17, 17). Người ta không thể căn cứ vào lúc thịnh vượng phát đạt mà phân biệt được ai là bạn thật, ai là bà con tận tụy, nhưng phải chờ những ngày thử thách, những lúc gian nan. Bầu bạn theo lối đời chỉ trung thành với bạn khi bạn may lành; hoạn nạn đến, nhất là lúc bạn thập tử nhất sinh, là họ hè nhau trốn biệt.

Mẹ Maria không bao giờ xử với các tôi tớ trung thành của Mẹ như vậy. Trong những lúc họ rầu rầu chua xót, nhất là trong lúc họ phiền sầu hấp hối, tức là lúc họ phải chịu những nỗi kinh hoàng chưa từng thấy trên đời, thì Đức Nữ Vương nhân hậu và yêu đương này không thể xa lìa họ. Nếu Mẹ là sự sống của chúng ta trong suốt cuộc đời trầm ải, thì Mẹ sẽ là sự êm dịu của chúng ta trong giờ phút cuối đời, ban cho chúng ta được giã từ thế tục trong êm lành thư sướng. Mẹ được đặc ân cứu trợ hết mọi linh hồn được ơn tiền định khi họ lìa trần vì, trong những ngày Cứu Chuộc, Mẹ đã được đặc ân cộng khổ và chứng kiến cái chết đau thương của Chúa Giêsu Con Mẹ, thủ lĩnh những người được tiền định. Thế nên, Giáo hội dạy chúng ta cầu xin Mẹ cứu giúp cách riêng khi chúng ta lâm giờ giã thế: “Cầu cho chúng con là kẻ có tội, khi nay, và trong giờ lâm tử”.

Hỏa ngục vùng lên

Những sầu muộn trên giường hấp hối là những sầu muộn thật ghê hồn. Tất cả đều giầy xé: nào là những tội lỗi cắn rứt, nào là những kinh hoàng trước tòa phán xét gần kề, nào lỗi lo âu phấp phỏng về số phận đời đời. Nhất là trong giờ phút đó, hỏa ngục lại vùng dậy, đem hết lực lượng mong cướp đoạt linh hồn sắp bước vào đời sau. Ma quỉ căm hờn hồng hộc, vì nó biết nó còn rất ít thời giờ (Kh 12, 12). Lúc đó, không cám dỗ linh hồn như thường làm lúc họ còn bình sinh, không hài lòng với những lực lượng đơn độc, nó còn kêu gọi các lực lượng bạn đến giúp. Lúc đó, đầy nhà rầm rập rồng ma (Is 13, 21): chung quanh giường người hấp hối, từng vô số quỉ chen chúc nhau, kết đoàn kết lũ để lung lạc, làm cho linh hồn rơi vào trầm đọa.

Nhà ký sự truyện thánh Anrê Avelinô quả quyết có tới mười ngàn quỉ đến cám dỗ thánh nhân trên giường hấp hối. Trong lúc lâm chung, thánh nhân phải chịu một trận chiến đấu gắt gao cực kỳ với hỏa ngục, đến nỗi các tu sĩ đứng quanh đều kinh hoàng hoảng sợ. Mặt ngài sưng phồng lên và xám đen lại vì cơn náo động trong linh hồn; tứ chi run rẩy trong một đau thương co quắp rút gân rút thịt; nước mắt chan hòa lai láng, đầu quay đi lắc lại như bị giành giựt giữa hai đối thủ: tỏ ra ngài phải chiến đấu kinh khủng với tà thần hỏa ngục. Tất cả những ai chứng kiến cảnh hấp hối của ngài đều khóc ròng vì thương cảm, tăng gia cầu nguyện, và sợ hãi vì thấy một vị thánh mà phải lâm chung như vậy. Nhưng một điều làm họ vững tâm: ngài vẫn năng ngước nhìn lên ảnh Đức Mẹ, như để van nài ơn trợ giúp. Trong đời ngài, thánh nhân đã từng nói rằng: giờ chết, Mẹ Maria sẽ nà nơi nương ẩn của ngài. Mà thật vậy, sau cùng Chúa đã tưởng thưởng ngài bằng một chiến thắng huy hoàng. Những cơn run rẩy co quắp qua đi, mặt dẹp xuống tươi tỉnh như cũ, mắt ngài yên lặng nhìn cắm vào ảnh Đức Mẹ, và cúi đầu tôn kính như cảm tạ Mẹ. Người ta tin rằng lúc đó Mẹ Maria đã hiện ra với ngài. Rồi, trong một bình an lặng lẽ và một thái độ linh thiêng, ngài thở hơi cuối cùng trong tay Mẹ dấu yêu đã từng bảo vệ đời ngài. Trong lúc đó, một nữ tu dòng thánh Phanxicô cũng đang hấp hối, quay về phía chị em đứng bên mà nói: “Xin chị em đọc kinh Kính Mừng, một đấng thánh vừa qua đời” 7.

Một thân cây oai dũng

A! Vừa thoáng thấy bóng Nữ Vương chúng ta, lũ phản thần đã phải mất vía trốn chạy thế nào! Nếu trong giờ ta hấp hối, Mẹ Maria bênh đỡ ta, thì hỏa ngục làm sao mà khủng bố ta được? Nghĩ đến những phiền sầu khi hấp hối, thánh vương Đavít đã hoảng sợ, nhưng lại được an ủi vì cậy trông vào sự chết của Chúa Cứu Chuộc mai sau, và sự phù trì của Mẹ Đồng Trinh: Khi tôi bước vào giữa bóng sự chết tối tăm... thân cây và gậy côn của Chúa sẽ ủy lạo tôi (Tv 22, 4). Đức hồng y Hugô hiểu gậy côn ấy là cây thánh giá, thân cây là sự can thiệp của Mẹ Maria, theo lời tiên tri Isaia đã nói về Đức Mẹ rằng: Một thân cây sẽ mọc lên từ gốc Giétxê, và một bông hoa sẽ nở lên từ gốc ấy (Is 2, 1). Thánh Phêrô Đamianô viết: “Mẹ Maria chí thánh chính là thân cây oai dũng đánh tan sức xâm lấn của hỏa ngục”. Thánh Antôninô cũng lớn tiếng hô hào để phấn khởi lòng tin tưởng của ta: “Nếu Mẹ Maria phù trì ta, thì ai làm gì được ta”?

Cha Manuel Padial, dòng Chúa Giêsu lúc sắp qua đời, Mẹ Maria hiện đến mở trái tim cho ngài xem mà bảo: “Đây là giờ phút các thiên thần sẽ cùng con hoan hỉ, thủ thỉ bên tai con rằng: Ôi hạnh phúc thay cuộc đời lao nhọc! Những khổ chế sẽ được trả công xứng đáng!” Trong lúc ấy, người ta thấy một cơ quân hỏa ngục vừa hớt hải trốn chạy, vừa la lối om xòm: “Khổ quá! Không làm gì được nó nữa rồi! Cái Bà không vương tì vết đã bảo vệ nó!” Đó cũng là trường hợp của cha Gaspard Hayewook. Lúc ngài hấp hối, ma quỉ xô đến cám dỗ rất mạnh về đức tin, ngài liền dâng mình cho Mẹ Maria, tức thì người ta nghe ngài kêu lên: “Ôi Maria, con cảm tạ Mẹ, Mẹ đã đến cứu giúp con”8.

Thánh Bonaventura cho ta biết Mẹ Maria sẽ phái một đạo binh thiên thần đến cứu trợ những tôi tớ Mẹ lúc từ trần như thế nào: “Lạy Đức Nữ Trinh, thánh Micae, thủ lãnh đạo binh thiên quốc, và, cùng với ngài, tất cả các thiên thần được Chúa sai đến giúp đỡ những người được tuyển phúc, đang sẵn sàng thi hành mệnh lệnh của Mẹ: các vị sẽ bênh đỡ những ai ngày đêm cầu xin Mẹ giúp đỡ, và đến nhận linh hồn họ khi vừa ra khỏi đời này”.

Hỏa ngục đã náo động đến tận tầng đáy sâu khi ra tiếp đón: nó phải động viên đến hạng khổng lồ để chống lại (Is 14, 9). Câu Thánh Kinh sách Isaia này có thể áp dụng vào cơn náo động làm kinh hoàng hỏa ngục khi một linh hồn sắp từ trần: những tên quỉ có tiếng khủng bố nhất được phái đến cám dỗ, và theo linh hồn đó đến tận tòa Chúa Giêsu mà tố cáo. Nhưng cha Risa viết: “Ai dám tố cáo trước Án quan một người được Mẹ Án quan bênh đỡ?” Ma quỉ cũng biết rằng Chúa Giêsu đã chưa bao giờ, và sẽ không bao giờ kết án một linh hồn mà Người Mẹ tôn nghiêm của Chúa đã nhận biện hộ cho.

Những xích xiềng lợi ích

Mẹ Maria rất vội vã đến cấp cứu các tôi tớ dấu yêu của Mẹ trong giờ họ hấp hối. Mẹ đến tiếp xúc với họ, làm thuận tiện lối họ đi về đời sau, khuyến khích họ, và theo họ tới tòa phán xét. Thánh Giêrônimô viết cho trinh nữ Eustokia rằng: “Ngày mà Mẹ Maria, Mẹ Chúa Giêsu, sẽ cùng với cơ đoàn các trinh nữ, đến đón rước con, là ngày hạnh phúc nhường nào!” Đó chính là điều khi nói đến những người được Mẹ phù trì, Mẹ Maria đã nói với thánh nữ Brigita: “Mẹ là Nữ Vương tình thương, là Mẹ họ, Mẹ sẽ đến bên họ, để họ được thư sướng và ủi an lúc lâm chung”. Thánh Vinh sơn Phêriê thêm rằng: “Đức Nữ Vương từ ái sẽ đón nhận vào áo từ bi Mẹ linh hồn những người hấp hối đó”, và đưa họ đến tòa Con Mẹ làm Thẩm phán để Con Mẹ cho họ được hạnh phúc đời đời.

Mẹ Maria đã xử như vậy với ông Carôlô, con trai thánh nữ Brigita. Đăng vào nghề cầm binh khí nguy hiểm, ông bị chết xa thân mẫu. Thánh nữ e ngại cho phần rỗi của ông; nhưng Mẹ Đồng Trinh cho thánh nữ biết ông đã được cứu độ. Chính Mẹ đã đến giúp ông lúc lâm chung, soi cho ông biết những việc phải làm trong giờ mệnh một, để tưởng thưởng lòng ông đã từng thiết tha sùng kính Mẹ. Cùng lúc đó thánh nữ thấy Chúa Giêsu ngự trên ngai và nghe thấy ma quỉ tố cáo Mẹ Maria hai điểm: đã giúp Carôlô chống lại mưu chước nó cám dỗ ông lúc hấp hối; đã đích thân dẫn đến trước tòa phán xét linh hồn người thanh niên đó, và giải cứu ông mà không cho nó – ma quỉ – được quyền gì trên linh hồn ông. Thánh nữ lại thấy ma quỉ bị Chúa Giêsu tống khứ, và linh hồn Carôlô được đem lên trời.

Những dây Mẹ buộc là những xiềng xích lợi lộc. Phút lâm chung bạn sẽ được an nghỉ trong Mẹ Maria (Hc 6, 31, 29). Ôi bạn, hạnh phúc thay, nếu lúc lâm chung, bạn thấy mình đã được liên kết với Mẹ Maria bằng những xích xiềng lợi lộc, những xích xiềng sẽ đảm bảo cho bạn được trường sinh. Nhờ xích xiềng này, bạn sẽ nếm được bình an dịu ngọt, như khúc giáo đầu của nguồn bình an và yên nghỉ trên nơi hằng sống. Cha Binet kể truyện một linh hồn tôi trung của Mẹ Maria mà ngài giúp đỡ lúc lâm chung, đã nói với ngài trước khi tắt thở rằng: ‘Thưa cha, nếu cha biết lúc lâm chung người ta hoan hỉ nhường nào, vì đã tận tình phụng sự Mẹ Maria trong suốt cuộc đời, hẳn cha sẽ ngạc nhiên và được an ủi lắm! Con không sao diễn tả được nguồn vui dào dạt linh hồn con lúc cha ở gần con đây” 9. Cha Suarez cũng là một tôi trung tận tình của Mẹ Maria, đến nỗi sẵn sàng đổi tất cả tài năng thông minh của ngài lấy công nghiệp do một kinh Kính Mừng. Trên giường hấp hối, ngài cũng cảm hưởng một thú vui chan hòa đến thốt lên: “Không ngờ chết lại dịu ngọt thế này”10!

Bạn đọc thân mến, bạn cũng sẽ được nếm hưởng sự thỏa mãn ấy, niềm hân hoan ấy, nếu trong giờ phút cuối đời, bạn nhớ rằng bạn đã yêu mến Mẹ nhân từ Maria của chúng ta. Mẹ không thể không thủ tín đối với những người con đã tận trung phụng sự Mẹ, đã làm nhiều việc sùng kính Mẹ, như viếng nhà thờ, lần hạt, chay tịnh; nhất là đã nhiều lần cảm tạ Mẹ, ca tụng ngợi khen Mẹ, ân cần cầu xin Mẹ phù trì nâng đỡ.

Bạn đừng tưởng vì tội lỗi mà bạn không được an ủi lúc ấy. Từ nay bạn hãy ân cần sống đạo hạnh, ân cần phụng sự Nữ Vương hết sức nhân từ, hết sức khoan dung này đi. Trong những cơn bạn phiền sầu, trong những cơn cám dỗ hỏa ngục dấy lên dồn bạn vào con đường thất vọng, Mẹ sẽ đến nâng đỡ bạn; Mẹ sẽ không nề hà đích thân đến cứu trợ bạn trong giây phút cuối đời.

Thánh Phêrô Đamianô kể truyện anh ngài là Máctinô. Bất hạnh xúc phạm đến Chúa, ông đến trước bàn thờ dâng kính Mẹ Maria, hiến dâng mình làm nô lệ Mẹ nhân lành. Ông quàng một vòng xích trên cổ tỏ ra là tôi tớ mà thưa với Mẹ rằng: “Lạy Bà Chủ con, Mẹ là gương mẫu đức thanh sạch xán lạn, con là kẻ tội lỗi khốn cùng, đã dày đạp đức thanh sạch, xúc phạm đến Chúa và Mẹ. Phương sách độc nhất của con bây giờ là hiến dâng mình làm nô lệ Mẹ. Xin Mẹ chớ xua đuổi con; mặc dầu dĩ vãng của con khả ố, xin Mẹ cũng đoái thương nhận lòng con tôn kính Mẹ”. Rồi ông đặt trên cấp bàn thờ một số tiền, nguyền hứa hằng năm sẽ dâng nạp đủ số như vậy, để chứng thực mình là nô lệ của Mẹ. Ít lâu sau, ông lâm trọng bệnh. Vào một buổi sáng, người ta nghe thấy ông bỗng dưng kêu lên: “Đứng lên! Đứng cả lên! Đứng lên tôn kính Nữ Vương tôi!” Rồi ông thêm: “Lạy Nữ Vương thiên đàng, Mẹ ban cho con ơn trọng đại chừng nào! Mẹ đã đoái thương đến thăm viếng đứa nô lệ của Mẹ! Ôi Nữ Vương con, xin chúc lành cho con, đừng để con phải trầm đọa, khi con đã được Mẹ thân hành đến thăm viếng như thế này”. Em của ông là Đamianô chạy lại, Máctinô nói mình vừa được xem thấy Đức Mẹ Đồng Trinh, Mẹ đã chúc lành cho mình. Ông cũng phàn nàn vì những người có mặt nơi ông lúc đó không chịu đứng dậy khi Mẹ Maria đến. Được ít lâu ông qua đời êm dịu trong Chúa11.

Bạn đọc thân mến, đấy cũng là cái chết của bạn, nếu bạn cứ trung thành cùng Mẹ Maria, mặc dầu dĩ vãng nhắc nhở cho bạn nhiều tội lỗi: Mẹ Maria vẫn có thể ban cho bạn được chết một cái chết êm lành hạnh phúc.

 

Nguồn an ủi lúc lâm chung

Tuy nhiên, rất có thể là vì nhớ lại nhiều tội lỗi mà bạn sẽ run giùng kinh hãi, e lung lạc cả lòng cậy trông. Bạn ạ, lúc đó Mẹ Maria sẽ đến an ủi bạn, như đã an ủi ông Ađôphê, bá tước Andác. Bá tước đã trút bỏ vinh hoa thế tục, vào tu thân trong dòng thánh Phanxicô. Niên ký của dòng còn cho ta biết ông thắm thiết tôn sùng Đức Mẹ. Khi sắp lâm chung, tưởng nhớ lại cuộc đời đã sống ngoài trần tục, cũng như những trách nhiệm về nhiệm vụ mình và lý đoán công thẳng của Chúa, ông phát rùng mình trước cái chết và e ngại không được rỗi linh hồn. Nhưng Mẹ Maria không bao giờ lại nhắm mắt trước cái chết nguy nan tôi tớ Mẹ đang trải. Mẹ liền hiện đến, có một số đông đảo các thánh tháp tùng. Mẹ đã phấn khích lòng can đảm của ông bằng những lời âu yếm: “Ađôphê, con rất yêu dấu của Mẹ, sao con lại sợ chết trong trong khi con đã dâng mình cho Mẹ và thuộc trọn về Mẹ rồi?” Mẹ vừa dứt lời, ông liền hết sợ và tắt thở. Ông chết mà lòng thư thái và linh hồn tràn ngập bình an 12.

Bọn tội nhân trọng phạm chúng ta cũng vậy, chúng ta hãy phấn khởi niềm tin lên. Hãy đinh ninh tin tưởng rằng Mẹ Maria sẽ đến cứu giúp chúng ta trong giờ chết, sẽ tỏ gương mặt từ mẫu của Mẹ mà ủy lạo chúng ta, miễn là chúng ta cứ đem hết lòng yêu mến phụng sự Mẹ bao lâu chúng ta còn sống ở đời. Mẹ đã chẳng đích thân hứa điều đó khi hiện ra tiếp xúc với thánh nữ Mêtinđa đó ư? Mẹ bảo: “Tất cả những ai nhiệt tâm phụng sự Mẹ, Mẹ sẽ giữ lời đem tấm lòng yêu đương của một người mẹ đến cấp cứu họ, an ủi họ, phù trì họ trong giờ sau hết” 13. Lạy Chúa! Trong những giây phút cuối cùng cuộc đời, khi số phận đời đời của chúng con sắp được định đoạt, mà được Nữ Vương trên trời đứng bên cạnh chúng con, ân cần giúp đỡ và hứa đem ơn bảo trợ toàn năng làm chúng con vững vàng, thì thật là một an ủi lưỡi miệng nào tả nên lời được!

Ngoài những mẩu chuyện kể trên về những linh hồn được Mẹ Maria thân đến bênh vực lúc lâm chung, còn vô số những mẩu khác nữa các sử gia đã thuật lại. Thánh nữ Clara Assisi, thánh Phêlixê Cantilixê, thánh nữ Clara Montefalcô, thánh nữ Têrêxa, thánh Phêrô Ancantara, thảy đều đã được Đức Mẹ hiện đến an ủi trên giường hấp hối. Đây xin kể thêm một vài truyện nữa hầu chúng ta thêm vững tâm tin cậy. Theo cha Crasset, thánh nữ Maria Oignies đã được thấy Mẹ Maria đứng ngay đầu giường một quả phụ đạo đức ở Willambrock-en-Brabant. Quả phụ ấy quá đau đớn vì một cơn nóng lạnh ngoài sức tưởng tượng, Mẹ Đồng Trinh đã ghé xuống khuyến khích và cầm một cái quạt mà quạt cho14. Thánh Gioan Thiên Chúa, trọn đời tận tâm yêu mến Mẹ Maria, lúc sắp từ trần đã đợi chờ Mẹ đến. Rồi vì đợi mãi mà chưa được, ngài buồn sầu và có vẻ như phàn nàn. Một lát sau Mẹ Maria mới xuất hiện, và dường như để trách yêu ngài vì ít tin tưởng, Mẹ đã nói những lời đầy an ủi cho những tôi tớ của Mẹ như sau: “Mẹ không có cái lệ bỏ rơi những người đã theo Mẹ trong những lúc như thế này”15. Như là Đức Mẹ muốn nói; “Gioan con Mẹ, con nghĩ sao? Mẹ đã quên con ư? Con lại không biết rằng Mẹ không thể quên được những người đã tận tâm sùng kính Mẹ trong giờ họ mệnh chung ư? Mẹ không đến sớm là vì thời giờ chưa đến đó thôi. Bây giờ thì đến giờ rồi, Mẹ đến để đem con về đây. Nào, chúng ta hãy về trời”. Một lát sau thánh nhân tắt thở, và lên thiên đàng cảm tạ Nữ Vương chí ái đời đời.

Sau đây xin kể một truyện sau cùng để chấm dứt chương này, và để xem Mẹ Maria đã tỏ lòng âu yếm các con của Mẹ đến mực nào trong giờ họ giã từ cõi thế.

Hai cái chết

Cha sở một họ kia được mời đến giúp một nhà hào phú sắp qua đời. Họ dẫn ngài vào một ngôi nhà trang hoàng tráng lệ, bầy biện lộâng lẫy, con ăn đầy tớ ra vào tấp nập, thân bằng quyến thuộc xúm xít nhau thăm hỏi chung quanh người liệt. Nhưng linh mục đó cũng lại nhìn thấy một lũ quỉ như những con chó ngồi chờ sẵn sàng xông đến bắt linh hồn khốn nạn ông ta. Và thật nó đã bắt được, vì đến chết ông ta vẫn không chịu xưng tội và chịu các phép sau cùng.

Ngay lúc ấy, một phụ nữ nghèo nàn cũng xin người ta mời cha sở mang Thánh Thể cho bà. Vì không thể bỏ được người nhà giầu kia đang cần ngài giúp đỡ, cha sở đã nhờ một linh mục khác đến thay. Cha này rước Thánh Thể đi. Đến nhà bệnh nhân, ông chẳng gặp một tôi tớ nào, một bạn hữu nào, một đồ vật quí giá nào: bệnh nhân là một người nghèo khổ, chỉ có một nắm rơm làm giường nằm. Nhưng phòng bà sáng trưng. Linh mục nhìn vào: bên cạnh người đàn bà đang hấp hối ấy, ông thấy Mẹ Maria đang an ủi bà, cầm một cái khăn lau mồ hôi bà rướm chảy khi đau đớn. Thấy vậy, linh mục dừng lại, sợ hãi; nhưng Đức Mẹ ra hiệu cho ngài vào. Đức Mẹ đích thân lấy một cái ghế đẩu cho linh mục ngồi giải tội cho bệnh nhân đạo đức ấy. Bà rước Thánh Thể rất sốt sắng, rồi êm ái trút linh hồn trong tay Mẹ Maria.

 

Nghĩ đến phút giây kinh khủng

Ôi Maria, Mẹ nhân lành yêu dấu, giờ chết của người tội lỗi khốn nạn là con đây sẽ ra thế nào? Ngay từ bây giờ khi nghĩ đến phút giây khủng khiếp con sẽ thở hơi cuối cùng và ra trước tòa phán xét, và khi nhớ lại rằng, vì tội lỗi con phạm, con đã tự tay viết bản án phạt con, thì con run sợ hãi hùng, không biết số phận đời đời của con sẽ ra sao.

Ôi Maria, con xin đặt trót niềm tin tưởng của con nơi Máu Thánh Chúa Giêsu và sự cầu bầu của Mẹ. Mẹ là Nữ Vương Thiên đàng, là Nữ Vương cả vũ trụ, là Mẹ Thiên Chúa, con nói gì được nữa? Vâng, Mẹ rất cao trọng! Nhưng không phải vì cao trọng dường ấy mà Mẹ không nhìn đến những nỗi thống khổ của con; trái lại, Mẹ càng ghé nhìn thương xót con hơn nữa. Người thế gian khi được quyền cao chức cả thường khinh chê những bạn hữu cũ còn lại trong giai cấp thấp hèn ngày trước, không muốn nhìn gặp họ nữa. Phần Mẹ, tâm hồn Mẹ rất cao thượng và rất yêu thương, Mẹ không thể cư xử như vậy: nơi đâu càng gặp thấy đau khổ, Mẹ càng mau mắn đến cứu trợ. Mẹ rất mau mắn đáp lời chúng con vừa khi chúng con kêu xin Mẹ lần thứ nhất: có lúc chúng con chưa kịp cầu xin, Mẹ đã ban ơn rồi. Mẹ đã đến an ủi chúng con những khi đau khổ, dẹp tan những cơn sóng gió, đánh bại kẻ cựu thù chúng con, tắt một lời, Mẹ không bỏ qua một dịp nào mà không làm ơn lành cho chúng con. Chúng con ca tụng bàn tay chí thánh đã kết hợp nơi Mẹ bấy nhiêu uy vọng với bấy nhiêu dịu dàng, bấy nhiêu cao cả với bấy nhiêu yêu đương. Con sẽ luôn luôn cảm tạ Chúa nhân từ vì ơn trọng ấy, sẽ luôn luôn vui mừng phấn khởi, vì hạnh phúc của Mẹ làm nên hạnh phúc của con, con được phú quí trong gia tài của Mẹ.

Lạy Mẹ an ủi kẻ âu lo, xin an ủi linh hồn con gặp sầu khổ đến dâng mình cho Mẹ. Nguyên nhân nỗi sầu khổ của con là những tội lỗi vô số đang đè nặng trên con, những cắn rứt xâu xé con, những áy náy chập chờn vì con chưa khóc lóc tội lỗi con cho đủ. Nhìn đến công việc con làm, thì con chỉ thấy đầy những nhớp nhơ khuyết điểm. Hỏa ngục đang rình chực con lâm chung mà tố cáo; công lý chí thánh mà con xúc phạm thì đang đòi con đền bồi. Mẹ ơi, con sẽ ra thế nào? Nếu Mẹ không đến cứu con, con sẽ tiêu trầm mất. Mẹ nói sao? Mẹ muốn cứu giúp con chăng? Ồ! vâng, lạy Nữ Trinh rất nhân từ, xin an ủi con: xin ban cho con được thành tâm hối hận tội lỗi con; xin cho con được can đảm cải thiện cuộc đời và sống trung thành cùng Chúa những ngày còn lại của đời con. Rồi khi con giáp mặt với những nỗi phiền sầu lai láng trong giờ chết, thì, lạy Mẹ là hi vọng của con, xin đừng bỏ con. Nhưng hơn bao giờ hết, hãy cứu giúp con, tăng thêm sức mạnh cho con, giữ gìn con khỏi cơn buồn sầu thất vọng mà tội lỗi đẩy con vào, khỏi những tội lỗi mà ma quỉ sẽ bày ra trước mắt con.

Lạy Nữ Vương con, xin tha thứ tội quá đường đột của con, cho con xin một điều: xin thân hiện đến an ủi con lúc ấy. Mẹ đã từng hiện đến với biết bao tôi tớ của Mẹ, con cũng muốn được như vậy. Quả thực con táo bạo quá, nhưng lòng nhân từ vẫn đi tìm an ủi những người khốn khổ nhất của Mẹ còn lớn lao hơn nhiều: lòng nhân từ ấy làm cho con càng thêm tin tưởng. Vinh hiển Mẹ đời đời là đã cứu khỏi sa hỏa ngục một kẻ khốn kiếp đã bị kết án mà đem vào nước Mẹ hiển trị: nơi đó, con trông cậy vững vàng, con sẽ được hạnh phúc luôn luôn đứng dưới chân Mẹ mà cảm tạ, chúc tụng và mến yêu đời đời chẳng cùng. Ôi Maria, con chờ đợi Mẹ; xin đừng để con thiếu niềm an ủi này. Xin thương nghe lời con! Xin khứng nghe lời con xin. Amen, Amen!